Ba mẹ mất cũng hơn 5 năm, bây giờ ở nhà chỉ còn hai chị em. Chị Hai đã lấy chồng và có một cháu gái 4 tuổi.
Thân làm giáo viên, giảng dạy môn địa, ngoài mười sáu tiết trên lớp, thời gian còn lại trừ những lúc soạn bài, chấm bài ra, Thân chưa nghĩ ra cách dùng nó vào việc gì cho có lợi nhất. Đang dợm đi chơi với bạn, vừa ra khỏi cửa, Thân đã nghe tiếng chị Hai:
- Chiếc áo chị mới ủi sao không mặc? Ngoài bốn mươi mà còn chưa lấy vợ! Thầy giáo gì mà tóc tai dài thượt!
Tính chị vốn thế, việc quan trọng không phải là chiếc áo nhăn, mái tóc quá lứa hay phòng ngủ thiếu ngăn nắp mà là chuyện vợ con. Từ một lẽ khác, nên chuyện quần áo tóc tai, đồ đạc trong phòng; tất cả chị đều có thể gắn liền với bàn tay phụ nữ. Ba má mất sớm, hiện giờ chỉ còn hai chị em, lúc trước chưa có gia đình, ngoài vai trò làm chị dường như ở chị còn mang sự lo toan của người mẹ. Khi có chồng, gánh nặng trách nhiệm đối với gia đình riêng nên chị không còn có thời gian nghĩ đến em.
Có đôi lúc Thân nghĩ chắc chị Hai tưởng lấy vợ thì lập tức ngày mai tóc sẽ gọn gàng, quần áo sẽ thẳng tắp và phòng ốc tự nhiên sẽ ngăn nắp. Cứ nhìn gia đình chị thì khắc rõ: con cái lễ phép, quần áo tươm tất; chồng chị lịch sự sang trọng; nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng. Hàng xóm trông vào cuộc sống gia đình hạnh phúc của chị, ai cũng thèm thuồng. Đặc biệt không mấy khi thấy chị bàn đến chuyện tình cảm, chuyện tình yêu! Ôi tình yêu! Chị Hai lấy chồng không bắt đầu từ tình yêu. Qua mai mối, cảm thấy hợp là tổ chức đám cưới. Nếu cuộc sống vợ chồng chỉ có bấy nhiêu thì nhiều lúc Thân định nói với chị “em đang tìm ô-sin”.
Mỗi lần về nhà Thân hay nựng cháu Bo con chị Hai, con bé bụ bẫm dễ thương, đôi mắt đen láy, cá tính nhanh nhẹn hễ gặp là muốn ngồi xe đòi cậu chở một vòng rồi mới cho cậu hôn, lần nào cũng vậy, không được là nó mè nheo. Chỉ cần nựng cháu là Thân cảm thấy bao mệt nhọc sau những giờ lên lớp như biến đi đâu mất. Hễ thấy cậu cháu đi chơi là chị Hai lại nói trỏng: “Sao, chị sắp có em dâu chưa?”, chẳng biết có nghe hay không chỉ thấy Thân gật đầu, miệng ừ hử rồi lại lảng sang chuyện khác. Chẳng lẽ lại kể: “Ở trường em cũng còn nhiều bạn lớn tuổi hơn vẫn chưa vợ!”. Như thầy Hoàn dạy môn sử, năm nay đã bốn mươi ba cũng đang kiếm người nâng khăn sửa túi. Thầy Đoàn dạy thể dục năm nay ba mươi tám vẫn đang chờ... vợ. Một lần có ai hỏi thầy Hoàn để dành tiền đủ chưa, sao không ưng đại cô nào, kẻo cha già con cọc? Thầy nói ngay: “Tiền thì bao la, nhưng chưa lấy vợ được...!”, thầy ghé sát tai người bạn nói câu gì đó, rồi bỗng dưng ai cũng thấy hai người cùng cười to. Thân kém Hoàn một tuổi, nhưng khi trò chuyện đều gọi nhau bằng mày tao. Thân còn lạ gì câu nói nhỏ “đái còn ướt dép nói gì lấy vợ” của Hoàn, nghĩ đến đó Thân tự cười một mình mà chẳng ai biết Thân cười điều gì? Thân dạy môn địa, học sinh thường gọi là thầy địa, thỉnh thoảng khi các em nói chuyện với nhau có lúc gọi ông địa, nhưng mấy khi nó nói trước mặt thầy, dễ thường có nghe được chắc cũng vui! Chính số lượng giáo viên độc thân nam đếm trên đầu ngón tay nên ở trường các thầy dễ bị gán ghép với cô này cô kia. Chẳng hạn như ghép Thân-Thu, cô dạy môn giáo dục công dân, học sinh nói trại ra là giáo dục “cô dâu”.
* * *
Đang nằm dựa trên ghế hớt tóc chờ cạo mặt, Thân nghe cô thợ hỏi “anh thích nghe bài gì?”. Hớt tóc buổi trưa trong tiệm máy lạnh lại được nghe nhạc dễ làm cho người ta đi vào giấc ngủ. Thân định chọn bài Một cõi đi về hay Đâu phải bởi mùa thu nhưng lại nói “tùy em muốn cho anh nghe bài gì cũng được”. Lời hát của những bài nhạc ở đây phần lớn nó chia sẻ nỗi cô đơn, nó diễn tả đủ tâm trạng của các cô gái xa quê. Cô thợ vừa cạo mặt vừa nhoài người qua ngực Thân, bàn tay mát mẻ mềm mại vuốt căng da mặt, tay kia nhẹ nhàng lượn lưỡi dao. Thân ngửi được mùi kem thoa mặt, nhìn bộ ngực ẩn dưới làn cổ áo khoét hơi sâu nhấp nhô theo động tác cuối xuống, chỉ cần nhổm người lên một chút là môi đã chạm vào má. Khi hôn vào tình huống bất ngờ, lời đáp có thể nhận được một trong hai thái độ: giận dỗi hoặc đồng tình, khả năng thứ nhất xác suất rất cao. Nụ hôn phải mang thông điệp của tình yêu; phải có cái gì thương thương, nhớ nhớ thì chất ngọt ngào mới làm tăng ý nghĩa nụ hôn. Sợ sự tưởng tượng của mình đi quá xa, Thân nhắm mắt lại, trong trí hiện ra hình ảnh Thu, cô bạn đồng nghiệp dạy giáo dục công dân ra trường được hơn ba năm. Thu hai mươi bảy tuổi, khá đẹp, nước da trắng, nói năng hoạt bát, dáng người cao hơn Thân một chút. Khi đã yêu, lúc vắng là nhớ lắm, có những hôm không có tiết dạy Thân cũng vào trường cốt chỉ để nhìn Thu và ra về sau vài câu hỏi bâng quơ. Không hiểu hôm nay Thân trò chuyện với cô thợ cắt tóc hơi nhiều là để tự trách mình hay là giận Thu? Nhớ lại tình cảnh đi ăn kem lần trước, Thu cúi xuống hai tay nâng ly kem, gò má nghiêng nghiêng hây hây mọng đỏ, hy vọng sẽ đặt lên má em nụ hôn ngọt ngào. Ánh mắt em lim dim như sẵn sàng đón nhận nụ hôn đầu đời, trớ trêu thay hạt bụi nào chui vào mắt làm em chớp chớp, vừa khi Thân sắp được toại nguyện với nụ hôn thì Thu đưa tay lên dụi dụi mắt sau làn kính cận, cùng lúc khuỷu tay em thúc vào ngực Thân! Chẳng biết cái hạt bụi bay vào mắt Thu có thực hay không, nhưng cái cảm giác nhoi nhói đau ở vùng ngực Thân chắc không phải là ảo. Ở nhà lúc hôn bé Bo con chị Hai, Thân còn muốn cắn nó một cái vì nó dễ yêu làm sao! Còn sự chờ đợi được hôn Thu bằng tình yêu trai gái nồng nàn là cả một chương trình mà Thân đã lập từ lâu, xem như kịch bản ăn kem đã bị phá sản. Khác với lần trước, lần này Thu chủ động mời Thân lên phố đi dạo bộ. Thân đã sắm đôi giày gót cao model mới, khác với đôi giày thể dục quen với đôi chân đi bộ, lần này phải cao cao mạnh mẽ thể hiện tính cách đàn ông.
Còn Thu thì sao? Không lẽ dặn em đi đôi giày gót thấp để vừa tầm với mình, biết thế nào? Duyên con gái gắn liền với thời trang, cứ trông vào các cô người mẫu thì rõ, người cao cao, mình hạc sương mai, dáng đi uốn lượn nhấp nhô, bước chân nhún nhảy trên đôi giày cao từ sáu phân trở lên phải công nhận là đẹp. Thu đẹp, Thu cao, trang phục phải thích hợp với kiểu người mới tôn lên vẻ đẹp của em. Yêu nhau, người ta cố làm cho vừa lòng nhau, riêng cái khoản sửa soạn cho đôi hia cũng đã chiếm mất nhiều thì giờ, chẳng nhẽ mình thấp mà bắt Thu phải theo mình, mới nghĩ đến đó Thân cứ trù trừ nửa muốn đi, nửa lại thôi. Hẹn đến nhà chở Thu đi, lần hẹn này Thân chẳng mấy hứng thú gì, so với lần trước, nó giả giả, gượng gượng làm sao! Cứ nhớ đi ăn kem mà Thân thấy quê quê, tức tức, may mà Thu vẫn vui vẻ. Ai có tật người đó giật mình, có phải Thân đang giật mình khi nghĩ đến chuyện cũ? Thu càng vô tư bao nhiêu thì Thân càng thấy mình xấu xấu bấy nhiêu, hôn người mình yêu đâu có gì phải lén lút. Phải chi Thu là cô thợ cắt tóc thì chuyện không đến nỗi nặng nề lắm, cùng quá lần sau Thân sẽ không đến, Thu dạy chung trường vào là gặp, ra là thấy bảo sao không ngượng không quê, chỉ cần hé ra một tí là cô giáo đỏ mặt.
Cuối cùng Thân cũng đến nhà chở Thu đi phố, gặp hôm mất điện không khí nóng bức Thân phe phẩy chiếc quạt thế nào làm tuột chiếc cúc áo ngực. Không lẽ để thế mà đi chơi, đâu có áo sẵn để thay, đành để em đứng khâu trực tiếp chiếc cúc trên áo. Càng vội càng lúng túng, tay Thu mất tự nhiên, muốn cho nhanh Thu dúi đầu vào ngực Thân ghé răng cắn sợi chỉ. Hơi ấm luồn lên đầu, Thân cúi xuống hôn lên trán em thì chiếc kẹp tăm nằm im trong tóc bí mật chui ra chọc ngay vào mũi đau điếng! Khi cô thợ hỏi “anh ngủ hay nghe nhạc”, lúc này Thân biết mình đã làm một giấc ngủ trưa say sưa trên chiếc ghế cắt tóc.
* * *
Đàn ông tuổi hườm hườm, tình yêu thì ít mà lo toan lại nhiều; vợ quá trẻ nhiều nhõng nhẽo, ít kinh nghiệm; chồng thấp vợ cao biết trong đời có mấy lần đi bộ song đôi. Lại thêm chị Hai lại kém mẹ Thu vỏn vẹn sáu tuổi, xưng hô thế nào đây? Cứ nhớ đến hai lần trước: một lần đau ngực, một lần đau mũi, Thân cảm thấy lo lo cho tình yêu mới chớm của mình. Quá tam ba bận, Thân định lần này mời Thu đi hát karaoke rồi nói thẳng ra chứ không chịu cái cảnh ỡm ờ khó chịu, còn chị Hai lần nào cũng khen: “Con nhỏ đó lễ phép, vén khéo, thích bé Bo lắm”. Thân chứ đâu phải bé Bo!
Thời kỳ nào cũng vậy, tình cảm trai gái bao giờ cũng lâm ly nhất, đẹp nhất và nhiều nước mắt nhất. Trên màn hình tivi, người con gái ngước lên nhắm mắt lại, hai tay quàng qua cổ người con trai, gã con trai xoay người cúi xuống hai tay vòng qua lưng đứa con gái và môi chạm môi... Xem đi xem lại trên màn hình cảnh hai ngươi hôn nhau, chợt nhớ tới Thu người Thân như tê đi, không biết đã đến mức độ yêu chưa sao cứ nhớ nhớ, lo lo. Không biết giờ này Thu đang làm gì, đang nghĩ đến ai? Có những tối không hẹn, chỉ vì nhớ mà Thân tìm cách đi chậm chậm ngang qua nhà Thu, thưởng thức mùi hoa hoàng lan. Tuổi tác chênh lệch làm cho dòng suy nghĩ của hai người có khoảng cách: Thu vô tư hồn nhiên, Thân lo xa cả nghĩ. Ai bảo đàn ông không ế vợ, ai bảo đàn ông dễ chọn vợ. Từ khi ý tưởng lấy vợ nhen nhúm trong Thân cũng là lúc mặc cảm chen vào. Thu cao ráo, xinh gái, con một, nhà khá giả, ba mẹ đầy đủ còn Thân mồ côi. Mặc cảm và tự ái là anh em sinh đôi, một khi vô tình chạm vào nỗi đau thì tự ái nổi dậy và sẵn sàng buông bỏ tất cả để còn chỉ giữ lấy một cái “tôi”, cho dù cái tôi ấy thấp bé, hèn mọn. Không lẽ cái tôi của người ta sinh ra chỉ để làm khổ lẫn nhau.
Mắt em nhìn màn hình, gương mặt đăm chiêu, một tay cầm micrô, một tay diễn tả tâm trạng theo lời nhạc, đôi chân nhịp nhịp trên sàn gạch. Nhấp một chút bia Thân có cảm giác như can đảm hơn, đặt nhẹ một tay thăm dò trên vai trần của Thu, em vẫn say sưa theo điệu nhạc “tình yêu đến em không mong đợi gì, tình yêu đi em không hề hối tiếc”. Thân vẫn thường nghĩ: tình yêu không đến và cũng không đi, chỉ có sự thương, ghét hiện diện trong mỗi con người chúng ta. Tay Thân như muốn ghì mạnh hơn và vòng sang phía trái hôn nhẹ vào má em... Thời gian dần trôi, nhạc điệu vẫn còn phát ra trên máy, liếc mắt nhìn màn hình dòng chữ màu vẫn đang tô, sao không có tiếng hát? Thân lịm dần đi và chợt hiểu không phải chỉ có Thân đang hôn em mà còn có ai đó đang hôn mình!
Bây giờ Thân không còn nghe tiếng chị Hai phàn nàn về áo nhăn, tóc dài, phòng thiếu ngăn nắp mà nghe từ một tiếng nói khác, giọng quen thuộc với điệp khúc “giờ này mà anh chưa đi tắm!”.
Truyện ngắn của Tuệ Hải